Mobile: 078 33 88 911
Email: caytieuvn@gmail.com

26/10/14

Hồ tiêu là cây khó chăm sóc, do có nhiều bệnh hại nguy hiểm, có thể gây chết hàng loạt. Bên cạnh đó cây tiêu đã phải trải qua một giai đoạn rớt giá kéo dài nên nông dân không mạnh dạn đầu tư vì thua lỗ quá nhiều. Mấy năm gần đây giá tiêu khá cao nên nhiều người đã quan tâm đến cây tiêu, nhưng thu nhập vấn chưa cao vì mật độ vườn tiêu quá thấp ( có những vườn tiêu chết trên 50%). nếu phá bỏ trồng lại thì phải mất 3-4 năm sau mới cho thu hoạch, vì vậy giải pháp phục hồi vườn tiêu bằng biện pháp trồng dặm là thích hợp nhất lúc này.

Trước hết chúng ta phải biết rằng cây tiêu có nguồn gốc từ cây tiêu hoang dã, mọc lên và bám vào các gốc cây rừng để phát triển – điều này chứng tỏ cây tiêu cần có độ che phủ thích hợp, nên khi chúng ta trồng tiêu cần phải trồng xen lẫn nọc sống và nọc chết. Bên cạnh đó, rễ tiêu mềm yếu chỉ thích nghi phát triển trên nền đất tơi xốp có độ hữu cơ cao, nên khi chăm sóc vườn tiêu chúng ta cần xới xáo đất và tăng cường bón phân hữu cơ tạo điều kiện cho rễ tiêu hô hấp dễ dàng, chống hiện tượng ngẹt rễ (từ trước đến nay nhiều người không giám xới xáo vườn tiêu vì sợ làm tổn thương bộ rễ, nhưng theo một khảo nghiệm thực tế của Trạm BVTV huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước đã kết hợp với hộ anh Thanh ở ấp 1 xã Tân Khai tiến hành xới xáo vườn tiêu và bón phân hữu cơ thì cây tiêu phát triển rất tốt ),…

Qua quá trình nghiên cứu và áp dụng vào thực tế, nay Trạm BVTV huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước viết ra quy trình kỹ thuật trồng mới, trồng dặm và chăm sóc vườn tiêu như sau:



I. Trồng mới:
1. Bước 1 ( trồng tiêu ):

Dọn sạch cỏ dại, bố trí mật độ 2.000.000 gốc/ha (2 m x 2,5m), đào hố trước khi trồng khoảng 30 ngày ( với kích thước 40 cm x 40 cm x 40 cm ), sau đó rải 3-5 kg vôi bột/hố phơi hố khoảng 15 ngày, dùng 0,2 kg phân NPK 20-20-15 + 10 kg phân chuồng ủ hoai mục, trộn đều với lớp đất mặt, tiến hành lấp hố khoảng 15 ngày cho đất ổn định rồi trồng, tủ gốc, che nắng (nên trồng ngang mặt đất để tránh ngập úng vào mùa mưa, nếu trồng thấp hơn mặt đất thì phải lên líp và đào rãnh thoát nước).

Nọc tiêu nên bố trí xen kẽ 2 nọc chết + 1 nọc sống ( cây lồng mức, cây gòn ).

2/. Bước 2 ( chăm sóc ):

Sau khi trồng chúng ta nên làm cỏ dại bằng biện pháp thủ công 3 lần/năm, tiến hành xới xáo cho đất tơi xốp để rễ tiêu dễ hô hấp, tránh tình trạng ngẹt rễ, nhưng không được va đập vào gốc tiêu ( nhất là tiêu mới trồng ).

Bón phân cho tiêu chia thành 3 đợt chính ( đầu, giữa và cuối mùa mưa ), lượng bón dùng 0,2 kg phân NPK 20-20-15 + 1-2 kg phân vi sinh chuyên tiêu có chất lượng, kết hợp với làm cỏ xới xáo và tưới nước, sau đó nên liên hệ với cán bộ kỹ thuật trực tiếp xuống vườn tiêu để đánh giá nên “tăng hay giảm” hàm lượng bón cho phù hợp với vườn của mình ( không nên bón phân hóa học quá nhiều vì tiêu tốt nhanh nhưng hay chết ).

II. Trồng dặm:
Các bước trồng dặm và chăm sóc gần giống với trồng mới. Chỉ khác, sau khi trồng dặm chúng ta dùng 100 gam thuốc Acrobat MZ 90/600WP hòa cho 50 lít nước, tưới mỗi gốc 2 lít dung dịch (cứ 5-7 ngày tưới một lần, tưới 3 lần liên tục để tiêu diệt mầm bệnh).

III. Phòng trừ sâu bệnh hại:
Vườn tiêu rất đa dạng sâu bệnh hại, ngoài việc phòng trừ bằng biện pháp cơ học chúng ta cũng rất cần dùng đến biện pháp hóa học, tuy nhiên nếu dùng biện pháp hóa học để phòng tất cả các loại sâu bệnh hại trên tiêu thì rất tốn kém, cho nên chúng ta chỉ tập trung phòng hai bệnh hại chính đó là bệnh chết nhanh, bệnh tuyến trùng. Còn các loại sâu bệnh hại khác thì tùy vào mức độ gây hại chúng ta mới sử dụng đến biện pháp hóa học.

1. Phòng bệnh chết nhanh: Do nấm Phytophthora sp gây ra.

a) Triệu chứng:
- Cây tăng trưởng chậm, lá úa vàng, héo rũ và rụng dần từ trên ngọn xuống.
- Cây có thể chết đột ngột hoặc suy yếu một thời gian rồi chết. Có trường hợp lá không rụng nhưng héo rũ và chết khô cả cây.
- Gốc rễ cây thâm đen, thối và có mùi hôi khó chịu.
b) Biện pháp phòng trừ:
- Thoát nước tốt cho vườn tiêu.
- Diệt sạch cỏ dại.
- Cắt tỉa hợp lý để gốc tiêu thông thoáng nhất là trong mùa mưa.
- Thu dọn các phần của cây bị bệnh tập trung chôn sâu. Xử lý vôi bột 2 kg/1gốc tiêu.
- Thuốc phun: Từ tháng 6-12 dương lịch hằng năm phun định kỳ 1 lần/tháng, sử dụng các loại thuốc: Acrobat MZ 90/600WP, Aliette 80WP, Mexyl MZ 72WP, Đồng NANO,…
-Thuốc tưới gốc: Acrobat MZ 90/600WP, Aliette 80WP, Mexyl MZ 72WP, Đồng NANO,… để tưới vào gốc với lượng 2-3 lít/gốc.

2. Bệnh chết chậm: Do nấm Fusarium sp, Rhizoctonia sp, Pythium sp.

a) Triệu chứng:
- Cây sinh trưởng chậm, lá nhạt màu, lá, hoa, quả rụng đần từ dưới gốc lên ngọn.
- Gốc bị thối và thâm đen, bó mạch và thân cành hóa nâu.
- Các loại nấm gây hại tồn tại trong đất, phá hủy bộ rễ và gốc, cản trợ sự hấp thụ dinh dưỡng làm tiêu héo dần và chết.
- Triệu chứng thường xuất hiện chậm và kéo dài.
b) Biện pháp phòng trừ:
- Trồng tiêu nơi đất tơi xốp không bị úng nước, không để vùng tiêu quá ẩm ướt.
- Không bón phân chuồng chưa thật hoai mục.
- Trồng đúng khoảng cách, nhặt dây và lá bị bệnh ra khỏi vườn tiêu, đem đốt.
- Dùng thuốc hạt Basudin, Funguran diệt tuyến trùng trong đất.
- Dùng nấm Trichoderma hạn chế nấm bệnh phát sinh gây hại.

3. Bệnh thán thư: Do nấm Colletotrichum gloeosporioides

a) Triệu chứng:
- Trên lá vết bệnh có đốm lớn màu vàng nhạt, sau đó hóa nâu và đen dần, rìa vết bệnh có quầng đen.
- Bệnh làm bông, hạt khô đen lan sang dây nhánh làm khô cành, rụng đốt.
b) Biện pháp phòng trừ:
- Trồng tiêu ở mật độ thích hợp, bón phân cân đối, hợp lý đầy đủ vi lượng.
- Giữ cho vườn tiêu được thoáng mát, không úng nước.
- Khi bị bệnh có thể dùng: Carbendazim, Mancozeb 80WP, Topsin-M 70WP, Mufum 0.6 DD,…

4. Bệnh nấm mạng nhện: Do nấm Cortium coleroga
a) Triệu chứng:
- Trên hom bị bệnh các sợi nấm quyện lấy hom, lá vàng khô.
- Khi lá chết chúng dính lại với nhau bởi các sợi nấm.
b) Biện pháp phòng trừ: Dùng các loại thuốc trừ nấm như: Aliete 80WP, Topsin-M 70WP,…

5. Bệnh tiêu điên: Do virus gây ra


a) Triệu chứng:
- Cây bị bệnh thường có kích thước thấp hơn cây bình thường
- Lá nhỏ và bị nhăn nheo, phiến lá biến màu vàng xanh hoặc lá có những phần vàng xen kẽ làm lá có màu loang lổ.
- Đốt thân thường ngắn lại.
- Cây tiêu cằn cỗi, ra bông ít, chùm bông ngắn, tỷ lệ đậu trái thấp.
b) Biện pháp phòng trừ:
- Thoát nước tốt vào mùa mưa.
- Cắt bỏ bộ phận bị bệnh đưa ra xa để tiêu hủy.
- Cây bị nặng cần triệt bỏ, tiêu hủy.
- Tiêu diệt côn trùng mối giới lan truyền bệnh như: rệp sáp, rầy, rệp gốc, bọ xít lưới,…bằng các loại thuốc: Pertox 5EC, Diaphos 10H, Pyrinex 20EC.

6. Bệnh nấm hồng:

a) Triệu chứng: vùng bị bệnh lúc đầu có lớp phấn hồng nhạt sau có màu trắng xám làm dây tiêu bị héo rồi chết.
b) Biện pháp phòng trừ:
- Phun Boocdo 1%
- Những phần đã bị héo nặng thì chặt bỏ và đốt hủy mầm bệnh.

7. Phòng bệnh tuyến trùng:

a) Triệu chứng:
- Cây vàng vọt, sinh trưởng kém, năng suất giảm, không bắt phân.
- Lá vàng giống như suy đạm nhưng khác là không vàng nguyên đám mà chỉ vàng rải rác từng khoảng mà cây bị gây hại mà thôi.
- Rễ bị sưng, thối từng điểm, ngắn lại và ít đâm rễ phụ.
Về mùa nắng cây héo nhanh, bộ rễ suy yếu và dễ bị nấm tấn công.

b) Biện pháp phòng trừ:
- Tưới nước đầy đủ nhưng tránh ngập úng, trồng đúng thời vụ, tăng cường bón phân hoai mục hoặc phân vi sinh chuyên dùng.
- Đào rãnh quanh gốc, rộng 10 cm, sâu 5 cm, cách gốc 30-50 cm để rải thuốc hạt: Diaphos 10H, Furadan 3H. Xử lý 2 lần vào đầu và cuối mùa mưa.

- Khi phát hiện tiêu bị tuyến trùng gây hại dùng Vimoca, vifu-super, … pha 60 lít nước/kg thuốc để tưới với lượng 1,5-2 lít/gốc.



                                                                                    Trạm BVTV huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước.

0 comments:

Đăng nhận xét

    CÂY TIÊU VIỆT NAM
    caytieuvn@gmail.com