Mobile: 078 33 88 911
Email: caytieuvn@gmail.com

13/4/14

Huyện Trảng Bom hiện có 26 dân tộc thiểu số với 6.037 hộ và 32.898 khẩu, chiếm tỷ lệ trên 12% dân số toàn huyện. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sống tập trung ở các xã như: Bàu Hàm, Sông Thao, Tây Hòa, Sông Trầu, Cây Gáo, Thanh Bình, Hố Nai 3 và chủ yếu sinh sống bằng nghề nông. Trong số đó, có nhiều hộ đồng bào DTTS  biết làm ăn giỏi, vươn lên trở thành những tỷ phú nhà nông.

A Mùi quyết tâm làm giàu

Nhắc đến Mằn A Mùi, cả ấp Cây Điều, xã Bàu Hàm ai cũng khen ngợi người phụ nữ chịu thương chịu khó, giỏi làm kinh tế, có thu nhập hơn cả tỷ đồng mỗi năm. Người ta càng khâm phục chị hơn khi vào năm 2012, trong lúc giúp dân chống bão, chồng chị - anh Phạm Quốc Phòng đã hy sinh, A Mùi vẫn vượt lên nỗi đau, vững vàng chèo lái gia đình.

A Mùi bùi ngùi kể: Nhớ hồi vợ chồng mới cưới vào năm 1989, ngày ấy vì quá yêu A Mùi, anh Phòng đã từ bỏ công việc đang làm công an huyện về xã Bàu Hàm ở rể và công tác. Khi đó, hai vợ chồng chỉ có hai bàn tay trắng với ít rẫy cha mẹ A Mùi chia cho để trồng bắp, trồng mì. “Ngày đó do thiếu nước, diện tích rẫy chỉ trồng các cây hoa màu ngắn ngày như cây bắp, đậu, mì… ăn qua ngày. Sau này, từ khi có nước lòng hồ Trị An, chúng tôi chuyển sang trồng cà phê rồi tích lũy tiền mua từng ít đất. Đến nay, gia đình tôi đã có được 3,3 ha rẫy”, A Mùi kể.

 kt1_110414_con

Năm 1998 - 1999, thấy cây cà phê giá cả bấp bênh, cho hiệu quả kinh tế thấp, A Mùi học hỏi các hộ dân trong vùng và đưa cây tiêu vào trồng xen trong cà phê.

“Không ngờ sau đó, mấy vụ tiêu thắng lớn, năng suất và giá cả ngày một tăng. Có những thời điểm giá tiêu lên tới 200.000 đồng/kg nên chúng tôi quyết định phát triển cây tiêu thành cây trồng chủ lực”, A Mùi chia sẻ.

Chị cho biết, nghề trồng tiêu cũng rất vất vả, phải chăm sóc thường xuyên và liên tục thăm nom coi chừng dịch bệnh. Mấy năm nay, cây tiêu bị bệnh nấm đỏ rồi vàng lá và thối gốc khiến nhiều hộ dân điêu đứng. Tuy nhiên, do học hỏi kinh nghiệm cũng như chịu khó chăm sóc, vườn tiêu của A Mùi không hề bị dịch bệnh: “Chăm sóc tiêu cũng được tôi coi trọng như chăm sóc người vậy, phải liên tục thăm nom và “khám sức khỏe định kỳ cho cây tiêu”. Gia đình tôi cứ mỗi tháng lại bón phân và bơm thuốc phòng từ dịch bệnh cho cây trồng này”, A Mùi nói.

Năm 2013, với hơn 3 ha tiêu cho thu hoạch trên 10 tấn tiêu, A Mùi có thu nhập hơn 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn cho thu nhập thêm gần 200 triệu đồng từ việc trồng xen cà phê, điều trong vườn tiêu.

Không chỉ sản xuất giỏi, nhiều năm qua, gia đình A Mùi liên tục được công nhận là gia đình văn hóa. 3 người con của chị đều chăm ngoan, học giỏi. Cháu lớn đã vào đại học, hai cháu nhỏ đang học phổ thông.

“Làm gì thì làm, nhất định phải có quyết tâm mới tạo nên thành công được. Như vợ chồng tôi vì muốn thoát khỏi cuộc sống nghèo khổ, muốn con cái được ăn học đàng hoàng nên quyết tâm làm giàu. Trong đó, đối với người nông dân, cái chính là phải chịu thương chịu khó, nắm bắt khoa học kỹ thuật và mạnh dạn chuyển đổi cây trồng cho phù hợp”, A Mùi tâm sự.

Tỷ phú Lày Chi Hếnh với tài nắm bắt thị trường

Về ấp Thuận Hòa, xã Sông Thao, không ai là không biết đến tỷ phú Lày Chi Hếnh, người dân tộc Nùng. Cùng với đa dạng các cây trồng nông nghiệp, Lày Chi Hếnh nhanh nhẹn nắm bắt thị trường, thu mua chuối và khai thác mỏ đá, mỗi năm mang về lợi nhuận gần 1,5 tỷ đồng.

Ông cho biết, những năm gần đây, tuy thu nhập của gia đình chủ yếu từ nguồn khai thác, sản xuất đá tại mỏ đá Sóc Lu với trên 700 triệu đồng/năm, song mối quan tâm lớn nhất của ông vẫn là việc thu mua chuối cho bà con quanh vùng. “Công việc thu mua chuối của bà con và bán lại cho các công ty nước ngoài chế biến hoặc cung cấp cho thị trường Biên Hòa, TP. Hồ Chí Minh đã giúp nuôi sống gia đình tôi từ những năm 90. Trước đây, có những thời điểm tôi thu mua hàng ngàn tấn chuối mỗi tháng của người dân các xã xung quanh… Mỗi năm từ nguồn thu mua chuối cũng giúp gia đình tôi có thu nhập hàng trăm triệu đồng”, ông Lày Chi Hếnh nói. 

Tuy nhiên, giá cả các loại chuối hiện nay hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường do người nông dân không thể tích trữ loại trái cây này. “Các cây trồng khác như tiêu, điều, cà phê còn có thể tích trữ được để chờ giá lên thì bán, riêng chuối thì không thể. Do đó, tôi luôn mong ước có vốn và các điều kiện để xây dựng xưởng chế biến nông sản giúp người nông dân bớt khổ”, ông Hếnh tâm sự. Theo ông Hếnh, người nông dân hiện nay không dễ tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Bên cạnh đó, các ngân hàng khi tính giá trị tài sản thế chấp của nông dân rất thấp so với giá trị thực nên cho vay ít, không đáp ứng được nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất.

kt2_110414_con

Hiện cùng với khai thác, kinh doanh mỏ đá và thu mua chuối, gia đình ông còn trồng 4 ha tiêu và cà phê, 5 ha các loại cây trái như: chuối, chôm chôm, măng cụt… cho thu lời mỗi năm gần 500 triệu đồng. “Cà phê ngày một rớt giá, thu nhập bếp bênh nên tôi chủ yếu phát triển cây tiêu. Thời gian tới, chúng tôi dự định sẽ thu hẹp diện tích chuối và chôm chôm để trồng măng cụt. Tôi chỉ mong muốn nhà nước có chính sách hỗ trợ người nông dân về vốn vay cũng như KHKT bằng cách cử kỹ sư giỏi xuống hướng dẫn bà con cách trồng, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho từng loại cây trồng”, ông Hếnh bày tỏ nguyện vọng.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, Lày Chi Hếnh còn đặc biệt quan tâm tạo việc làm, giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn và phổ biến kinh nghiệm sản xuất của mình cho bà con. Năm 2013, ông đã giúp đỡ, tạo việc làm cho khoảng 30 hộ trong vùng có thu nhập ổn định.

Gia đình ông luôn gương mẫu đi đầu trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Lày Chi Hếnh có 6 người con, tất cả đều học trung cấp nghề đến đại học. Nhiều năm liên tục, gia đình ông được công nhận là gia đình văn hóa cấp Trung ương.

Bỏ cà phê, trồng tiêu thu bạc tỷ

Ông Trương A Sâm, người dân tộc Hoa (ấp Trung Tâm, xã Thanh Bình) phấn khởi nói, năm nay, 2,5 ha hồ tiêu của gia đình ông trúng mùa, tiếp tục đạt khoảng 10 tấn. Giá hồ tiêu hiện đang ở mức 140.000 đồng/kg: “Như vậy, chỉ tính riêng hồ tiêu, doanh thu của gia đình tôi đã đạt trên 1 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí cũng còn lãi hơn 600 triệu đồng”, ông Sâm nói. Cũng theo ông Sâm, hiện tại, không có cây trồng nào cho giá trị kinh tế cao như hồ tiêu. Trong khi loại cây này có tuổi thọ lâu năm, nếu chăm sóc tốt, đúng quy trình kỹ thuật, cây cho thu hoạch trái đến 20 năm.

 kt3_110414_con

“Nhưng hồ tiêu cũng rất dễ bị sâu bệnh. Ngay như năm 2010, toàn bộ diện tích hồ tiêu của chúng tôi bị bệnh nên năng suất sụt giảm rất lớn. Tuy nhiên, nhờ đi học các lớp tập huấn chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho hồ tiêu và một số cây trồng khác của chương trình khuyến nông và Chi cục bảo vệ thực vật huyện, tôi đã “cứu” được vườn tiêu của mình”, ông Sâm kể.

Cùng với hồ tiêu, năm nay, gia đình ông Sâm không khỏi vui mừng bởi 5 ha chuối có giá tăng cao, 7.000 đồng/kg so với 4.000 đồng vào năm ngoái. “Nếu như năm ngoái, 1 ha chuối chỉ thu được khoảng trên dưới 100 triệu đồng/năm thì năm nay, có thể cho thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng”, ông Sâm cho biết.

Hiện gia đình ông Sâm có cả thảy 8 ha rẫy nhờ tích lũy kinh tế và mua dần. Trước đây, hầu hết toàn bộ diện tích này đều trồng cà phê. Nhưng cà phê ở đây cho năng suất không cao do là vùng đất trũng thấp, tỷ lệ đậu hoa thấp, ông Sâm đã mạnh dạn chặt bỏ, thử trồng tiêu và hiện cây tiêu được coi là cây trồng chủ lực. "Chúng tôi vừa chặt bỏ hết 1 ha cà phê còn lại để trồng tiêu. Trong năm 2014, gia đình tôi dự định trồng thêm 2 ha tiêu và tiến tới trồng trên toàn bộ diện tích 8 ha”, ông Sâm cho biết. Hiện tất cả diện tích vườn của gia đình ông Sâm đã được lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm. 

 kt4_110414_con
Ông Trương A Sâm bên căn biệt thự của gia đình tại ấp Trung Tâm, xã Thanh Bình

Không chỉ là hộ sản xuất kinh doanh giỏi, ông Sâm còn được nhiều người trong ấp biết đến với vai trò là người có uy tín trong đồng bào Hoa. Bên cạnh việc gương mẫu chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, ông Sâm thường xuyên vận động bà con mình thực hiện. Toàn ấp có 22 hộ, 177 nhân khẩu đồng bào dân tộc, ông Sâm thuộc nằm lòng. Ông cũng luôn sẵn sàng phổ biến kinh nghiệm sản xuất của mình cho bà con học tập. Ông Sâm tâm sự: “Làm việc gì, dù nhỏ nhưng giúp ích được cho đồng bào mình, cho đất nước mình là tôi cảm thấy vui rồi. Nếu đồng bào còn tín nhiệm, tôi cũng sẽ làm công tác này cho đến khi không còn sức lực nữa mới thôi”.

Phạm Lưu
Theo Báo Lao Động Đồng Nai
Categories: ,

0 comments:

Đăng nhận xét

    CÂY TIÊU VIỆT NAM
    caytieuvn@gmail.com