Mobile: 078 33 88 911
Email: caytieuvn@gmail.com

18/9/13

 Nấm bệnh hại rễ: Rhizoctonia sp, Fusarium sp, tuyến trùng... làm tiêu chết nhanh. Các loại nấm này thường có trên chuối, cao su - 2 loại cây trồng xen với tiêu

Tuyến trùng: Meloidogyne, Pratylenchus, Xiphinema…

Tuyến trùng chích hút, bơm các độc tố vào rễ, tạo nên các nốt u sần, làm rễ cong queo, giảm khả năng hấp thu nước, dưỡng chất khiến cây sinh trưởng kém, cằn cỗi, lá vàng vọt, héo, chót lá đen dần rồi rụng. Bệnh sẽ nặng hơn nếu kết hợp có nấm bệnh, vi khuẩn làm thối rễ.

Phòng trị: đào mương thoát nước để hạn chế tuyến trùng lây lan, tăng cường bón vôi (vì tuyến trùng thích đất hơi chua), bón phân hữu cơ hoai mục (vì trong phân hữu cơ có nhiều vi sinh vật, tuyến trùng đối kháng), rải thuốc.

Mối tiêu (Coptoteranes sp): tạo những hầm đất trên dây tiêu và dưới mặt đất quanh gốc tiêu.

Đối với đường hầm đất trên dây tiêu phía trên mặt đất: cạo bỏ sạch đường hầm, phun thuốc kỹ, sau 3 ngày có thể phun lại.

Đối với đường hầm, tổ mối ở gốc tiêu dưới mặt đất: xới đất tơi xung quanh nọc tiêu, cạo bỏ đường hầm đất. Tưới dung dịch thuốc trừ bệnh hoặc xới đất xung quanh nọc tiêu sâu khoảng 10cm, rải thuốc bột rồi lấp đất và tưới nước.

Nguồn gốc cây tiêu

Tiêu có nguồn gốc ở vùng Ghats miền Tây Ấn Độ, ở đây có nhiều giống tiêu hoang dại, mọc rất lâu đời. Sau đó, tiêu được người Hindu mang tới Java (Indonesia) vào khoảng 600 năm sau công nguyên. Cuối thế kỷ 12, tiêu được trồng ở Mã Lai. Đến thế kỷ 18, tiêu được trồng ở Srilanka và Campuchia. Vào đầu thế kỷ 20 thì tiêu được trồng nhiều ở các nước nhiệt đới như Châu Phi với Mandagasca, Nigieria, Congo và Châu Mỹ với Brazil, Mexico…

Tiêu du nhập vào Đông Dương từ thế kỷ 17 nhưng mãi đến thế kỷ 18 mới bắt đầu phát triển mạnh khi một số người Trung Hoa di dân vào Campuchia ở vùng dọc bờ biển vịnh Thái Lan như Konpong, Trach, Kep, Kampot và tiêu vào Đồng bằng Sông Cửu Long qua ngõ Hà Tiên của tỉnh Kiên Giang, rồi sau đó lan dần đến các tỉnh khác ở miền Trung như Thừa Thiên – Huế, Quảng Trị…

Công dụng của cây tiêu

Tiêu là loại cây trồng có thể sống lâu năm và có giá trị kinh tế cao. Tiêu được sử dụng làm gia vị, trong y dược, trong công nghiệp hương liệu và làm chất trừ côn trùng.

Chất gia vị: Hạt tiêu có vị nóng, cay, có mùi thơm hấp dẫn nên rất thích hợp cho việc chế biến các món ăn. Vì vậy mà tiêu đã trở thành gia vị được dùng rất phổ biến trên thế giới.

Trong y dược: Do có sự hiện diện của chất piperin, tinh dầu và nhựa có mùi thơm, cay, nóng đặc biệt, tiêu có tác dụng kích thích tiêu hóa, làm cho ăn ngon miệng. Ngoài ra, tiêu còn có tác dụng làm cho ấm bụng, thường dùng chung với gừng để chữa chứng tiêu chảy, ói mửa khi ăn nhằm món ăn lạ, dùng chung với hành lá trong tô cháo giải cảm…

Tuy nhiên, khi dùng quá nhiều, tiêu có thể gây táo bón, kích thích niêm mạc dạ dày, gây sốt, viêm đường tiểu và có khi gây tiểu ra máu.
Trong công nghiệp hương liệu: Chất piperin trong hạt tiêu được thủy phân thành piperidin và acid piperic. Oxy hóa acid piperic bằng permanganate kali (KMnO4), ta thu được piperonal (heliotropin nhân tạo) có mùi hương tương tự như heliotropin và coumarin, dùng để thay thế các hương liệu này trong kỹ nghệ làm nước hoa.

Tinh dầu tiêu với mùi thơm đặc biệt được sử dụng trong công nghiệp hương liệu và hóa dược.

Trừ côn trùng: Trước kia, người ta dùng dung dịch chiết xuất từ hạt tiêu xay tẩm vào da trong khi thuộc để ngừa côn trùng phá hoại, nhưng từ khi xuất hiện các loại thuốc hóa học công dụng và rẻ tiền hơn thì tiêu không còn được sử dụng trong lĩnh vực này nữa.

Hệ thống rễ

Thường gồm từ 3 – 6 rễ cái và một chùm rễ phụ ở dưới mặt đất, trên đốt thân có rễ bám (rễ thằn lằn)

Rễ cọc: Chỉ có những cây tiêu trồng bằng hạt mới có rễ cọc. Rễ này đâm sâu xuống đất đến độ sâu 2,5 m, làm nhiệm vụ chính là hút nước.
Rễ cái: Các rễ này cũng làm nhiệm vụ chính là hút nước. Đối với cây tiêu trồng bằng giâm cành, sau khi trồng ra ngoài nọc được 1 năm, các rễ cái này có thể ăn sâu đến 2 m.

Rễ phụ: Các rễ phụ mọc thành chùm, phát triển theo chiều ngang, rất dày đặc, phân bố nhiều nhất ở độ sâu 15 – 40 cm, làm nhiệm vụ hút nước và hút chất dinh dưỡng trong đất để nuôi cây.

Rễ cây tiêu thuộc loại háo khí, không chịu được ngập úng, do đó để tạo cho rễ cái ăn sâu, cây chịu hạn tốt và rễ phụ phát triển tốt hút được nhiều chất dinh dưỡng thì phải thường xuyên có biện pháp cải tạo làm cho đất được tơi xốp, tăng hàm lượng mùn.

Chỉ cần úng nước 12- 24 giờ thì bộ rễ cây tiêu đã bị tổn thương đáng kể và có thể dẫn tới việc hư thối và dây tiêu có thể bị chết dần.
Rễ bám: Mọc ra từ các đốt trên thân ở trên không, làm nhiệm vụ chính là giúp cây tiêu bám vào choái, vách tường… để vươn lên cao. Khả năng hút nước và hút chất dinh dưỡng của rễ bám rất hạn chế, gần như không đáng kể.


Thân, cành, lá

Tiêu thuộc loại thân thảo mềm dẻo được phân thành nhiều đốt, tại mỗi đốt có một lá đơn, hình trái tim, mọc cách. Ở nách lá có các mầm ngủ có thể phát sinh thành các cành tược, cành lươn, cành ác (cành cho trái) tùy theo từng giai đoạn phát triển của cây tiêu.

Cành tược (cành vượt): Thường phát sinh từ mầm nách trên các cây tiêu nhỏ hơn 1 tuổi. Đối với cây trưởng thành, cành tược phát sinh từ các mầm nách trên khung cành thân chính phía dưới thấp của trụ tiêu, và thường là cành cấp 1. Đặc điểm của cành tược là góc độ phân cành nhỏ, dưới 450, cành mọc tương đối thẳng. Cành tược có sức sinh trưởng mạnh, khỏe, thường được dùng để giâm cành nhân giống.

Cành lươn: Cành phát sinh từ mầm nách gần sát gốc của bộ khung thân chính của cây tiêu trưởng thành. Đặc trưng của cành lươn là có dạng bò sát đất và các lóng rất dài. Cành lươn cũng được dùng để nhân giống, tuy vậy, tỷ lệ sống thấp và cây thường ra hoa trái chậm hơn so với cành tược nhưng tuổi thọ lại dài và năng suất cao.

Cành cho trái (còn gọi là cành ác hay cành ngang): Đó là cành mang trái, thường phát sinh từ mầm nách trên cây tiêu lớn hơn 1 năm tuổi. Đặc trưng của cành ác là góc độ phân cành lớn, mọc ngang, độ dài của cành thường ngắn hơn 1 m, cành khúc khuỷu và lóng rất ngắn, cành cho trái trên bộ khung cây tiêu đa số là cành cấp 2 trở lên. Cành cho trái nếu đem giâm cành cũng ra rễ, cho trái rất sớm. Tuy vậy, cây phát triển chậm, không leo mà mọc thành bụi vì lóng đốt không có rễ bám hoặc rất ít. Cây mau cỗi và năng suất thường thấp.

Hoa, quả

Cây tiêu ra hoa dưới dạng hoa tự hình gié, treo lủng lẳng, dài 7 – 12 cm tùy giống tiêu và tùy điều kiện chăm sóc. Trên gié hoa có bình quân 20 – 60 hoa xếp thành hình xoắn ốc, hoa tiêu lưỡng tính hay đơn tính.

Trái tiêu thuộc loại trái hạch, không có cuống, mang 1 hạt hình cầu. Từ khi hoa xuất hiện đầy đủ cho đến khi trái chín kéo dài từ 7 – 10 tháng chia làm các giai đoạn sau:

Hoa tự xuất hiện đầy đủ đến khi hoa nở thụ phấn: 1 – 1,5 tháng.

Thụ phấn, phát triển trái (4 – 5,5 tháng): Giai đoạn này tiêu lớn nhanh về kích thước và đạt độ lớn tối đa của trái. Đây là giai đoạn tiêu cần nước và dinh dưỡng nhất.

Trái chín (2 – 3 tháng): Trong giai đoạn này hạt bắt đầu phát triển, đạt đường kính tối đa. Trái tiêu thường chín tập trung vào các tháng 1 – 2 trong năm, đôi khi kéo dài đến các tháng 4 – 5 do các lứa hoa trễ và cũng tùy theo giống.

12/9/13


Tôi là nhà cơ khí, nhưng khởi đầu bằng trồng tiêu, tôi cũng từng mất thăng bằng khi khí hậu và môi trường thay đổi. Tuy nhiên những hiện tượng vật lí tác động đến sinh lí cây trồng là rất rõ nét . Hy vọng những nghiên cứu dưới đây giúp bà con nông dân kiểm soát được những loại cây trồng chung quanh mình nói chung và cây hồ tiêu nói riêng.
Lĩnh vực đề cập. là lĩnh vực nông nghiệp, cụ thể là đề cập đến quy trình trồng - chăm sóc - bảo vệ cây hồ tiêu trước khí hậu thay đổi.

Tình trạng cây trồng hiện nay.

Theo chu kỳ thoái hóa của cây tiêu nên từ 20-22 năm sẽ biến động về giá, giá tăng cao khiến cây tiêu tự phát trên diện rộng.
Tiêu là loại cây bán chùm gửi, thích nghi với khí hậu nhiệt đới. Sinh lí nhạy cảm, không hợp với nhiệt độ dao động lớn trong ngày, nên cây hồ tiêu chỉ tồn tại ở miền Trung và miền Đông Nam bộ Việt Nam cũng như một số nước có khí hậu tương ứng như Ấn độ, Inodesia v.v…
Từ khi khí hậu thay đổi và tiêu trồng nhiều trên diện rộng đã xảy ra các hiện tượng như sau:
Chết hàng loạt ngoài kiểm soát.
Trồng trên địa hình, địa lí không phù hợp.
Khô hạn, nắng nóng, mưa nhiều, xói mòn, dịch bệnh.
Không xác định được tính năng, đặc điểm, sinh lí cây tiêu. v.v….

HỆ THỐNG TƯỚI NHỎ GIỌT TỰ ĐỘNG
CỦA CTY TÂN NÔNG THỊNH


1/9/13

Ít nhất từ mười năm nay, dân xuất khẩu tiêu Việt Nam đã biết đến “hạt tiêu Chư Sê” của tỉnh Gia Lai. Tuy nhiên, hiện nay, người dân trồng tiêu ở huyện Chư Sê đang khóc do nhiều vườn tiêu đột ngột chết. Theo thống kê chưa đầy đủ của Hiệp hội tiêu Chư Sê, hiện vùng đất này có khoảng 5.000ha tiêu kinh doanh. Niên vụ 2012 – 2013, vùng tiêu Chư Sê có sản lượng 20.000 tấn, chiếm 20% sản lượng tiêu toàn quốc.

Tiêu chết hàng loạt trên vùng tiêu Chư Sê. Ảnh: Hoàng Vinh

Đòi ly dị vợ… vì tiêu chết

Người dân thôn 1 (xã IaBlang, Chư Sê) đang xôn xao chuyện ông Tính đòi ly dị vợ vì lý do “vợ không hạp với tiêu nên tiêu chết” dù đã có hai mặt con. Theo cư dân địa phương, do tiêu bị chết nhiều, nên ông Tính hoá điên như vậy. Trong một lần tỉnh táo, ông Tính cho biết tính đến nay đã chết 2.000 trụ tiêu đang vào giai đoạn sung sức (năm kinh doanh thứ 7).

Niên vụ 2011 – 2012, bà Nguyễn Thị Tiếp (thôn 2, xã IaBlang, Chư Sê) thu được 12 tấn tiêu khô trên 3.000 trụ kinh doanh năm thứ 11, bình quân một trụ là 4kg tiêu khô. Nhưng sau khi thu hoạch xong, tháng 6.2012, vườn tiêu của bà Tiếp bắt đầu xuống sức, nhiễm bệnh và chết nhanh. Bà Tiếp không tiếc tiền mua thuốc về xử lý, nhưng bà không ngăn chặn được hiện tượng trên. “Năm ngoái, chết khoảng 500 trụ, tôi đã trồng mới. Chỉ riêng trong năm nay, tôi mất 2.000 trụ tiêu”, bà Tiếp nói trong nước mắt. Cứ tính theo năng suất của năm trước, bà Tiếp đã mất 1,2 tỉ đồng. Đó là chưa kể tiền mua phân, thuốc chữa bệnh và xăng dầu tưới trong mùa khô vừa qua.

Ông Đỗ Văn Bảo (thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê) vay mượn vốn của ngân hàng để trồng tiêu. Ông Bảo nhẩm tính, với 1.500 trụ tiêu kinh doanh năm thứ 5, năm nay sẽ thu 4,5 tấn với số tiền khoảng 600 triệu đồng, sau khi trừ hết chi phí, sẽ lãi khoảng 400 triệu đồng, đủ sức trả vốn gốc và lãi cho ngân hàng, còn dư chút đỉnh chuẩn bị cho mùa khô tới. Tuy nhiên, cơn bão số 11 vừa dứt, ông Bảo đi thăm vườn tiêu ở xã Ia Vê (huyện Chư Prông, Gia Lai), cách nhà 20km, thì hỡi ôi, 500 trụ tiêu của ông trồng đã chết khô cành từ lúc nào!

Sẽ còn “chết” tiếp!

Giới “chuyên gia” về tiêu của vùng tiêu Chư Sê đã nhận định như vậy. “Có những vườn tiêu, nhìn thấy “đã con mắt”, nhưng chỉ vài tuần là tiêu thiệt. Có những vườn chết đến 75%. Đau quá! Xót lắm! nhưng đành bó tay”, một lão nông nhận định. Giới trồng tiêu ở Chư Sê và Chư Puh (huyện mới tách từ Chư Sê) không thể tin rằng năm nay tiêu lại chết nhiều và nhanh như vậy. Đầu mùa mưa (tháng 5), khi nhìn thấy tiêu trổ cành dài, những người trồng tiêu đã nghĩ tới một niên vụ được mùa. Nhưng từ tháng 9, lượng mưa ngày càng tăng, làm cho mực nước ngầm tăng khủng khiếp, mực nước ở nhiều giếng đã ngang với mặt đất. Nhiều vùng đất ngập nước, nước mạch xì ra trên mặt đất. Lúc đó, nhiều hộ trồng tiêu đã nhanh tay đào rãnh thoát nước, nhưng đã muộn!

Ông Hoàng Phước Bính, phó chủ tịch Hiệp hội tiêu Chư Sê cho biết: “Năm nay, Chư Sê mưa nhiều thiệt, nên mới có hiện tượng úng ngập. Nhiều gò đất cao, mà cũng có mạch. Với cây tiêu, úng là chết. Rễ tiêu mẫn cảm với nước lắm, chỉ cần ngậm nước vài ngày là thối”. Theo ông Bính, những vườn tiêu bị úng ngập, nấm Phytophthora sẽ phát triển nhanh, là tác nhân chính gây ra hiện tượng chết nhanh của tiêu.

Lỗi do dân?

Ông Bính nói rằng, hơn 1.600 hội viên của Hiệp hội tiêu Chư Sê thường xuyên được cảnh báo về kỹ thuật canh tác, thổ nhưỡng cho cây tiêu… nhưng không ít hội viên, vì chạy theo lợi nhuận của cây tiêu, mà họ bất chấp những cảnh báo trên, nên việc tiêu chết nhanh, úng thối rễ là do người dân. “Hiện tượng tiêu chết nhiều có yếu tố khách quan lẫn chủ quan. Khách quan là do mưa nhiều. Nhưng quan trọng là người trồng tiêu đã không tuân thủ theo những biện pháp canh tác, sử dụng thuốc đã được khuyến cáo. Nhiều hộ dân cứ thấy đất trống là trồng, không cần biết đất đó có phù hợp với tiêu hay không. Người dân trồng tiêu quá lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân hoá học, mà ít đầu tư phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh, sinh học”, một cán bộ kỹ thuật của công ty kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật tại Chư Sê nói.

Tuy nhiên, nhiều hộ trồng tiêu cho rằng, do không có thu thuế từ cây tiêu, nên lãnh đạo huyện đã không mặn mà việc hỗ trợ người dân trồng tiêu. Còn theo một lãnh đạo huyện Chư Sê, phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện đang yêu cầu các xã báo cáo diện tích và số lượng tiêu chết để có giải pháp hỗ trợ nông dân như cử cán bộ kỹ thuật, cho vay vốn…

Song Minh – Hoàng Vinh
Nguồn: SGTT
    CÂY TIÊU VIỆT NAM
    caytieuvn@gmail.com